Nguyên Do Thành Lập Đạo Cao Đài

Bất cứ thời đại nào, khi con người quá khốn khổ, khi xã hội dẫy đầy tội ác, loạn lạc thì một tôn giáo ra đời. Từ ngàn xưa khắp thế giới nhân loại đã hữu phước có những tôn giáo như Ấn Độ Giáo, Do Thái Giáo, Bái Hỏa Giáo (Zoroasterism), Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo… Xuyên qua các tôn giáo, người ta thấy rằng dù được thành lập ở những nơi khác nhau, vào những thời kỳ khác nhau, dưới những hình thức khác nhau, các tôn giáo đều có cùng một chơn lý. Chơn lý đó là một quyền năng tối cao, một Đấng Tạo Hóa tạo nên càn khôn thế giới và muôn loài. Đấng Tạo Hóa luôn luôn ngự trong tâm khảm của con người. Các tôn giáo gọi Đấng Tạo Hóa bằng những danh từ khác nhau. Ấn Độ Giáo gọi là Chơn Như Đại Linh Quang, Do Thái Giáo gọi là Jehovah, Bái Hỏa Giáo gọi là Ahura Mazda, Phật Giáo gọi là Phật Tánh, Lão Giáo là Đạo, Khổng Giáo gọi là Thái Cực. Thiên Chúa Giáo gọi là Đấng Christ, Hồi Giáo gọi là Allah, và con người gọi nôm na là Ông Trời, God, Dieu …

Nhưng rồi qua thời gian, chơn lý càng ngày càng bị tam sao thất bổn. Chúng sanh có khuynh hướng thiên về vật chất, càng đua tranh hiềm khích nhau, kỳ thị nhau vì tôn giáo khác biệt, thậm chí tàn sát lẫn nhau qua những cuộc thánh chiến dai dẳng. Tình người giữa cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè thì bị vật chất chi phối. Trước những tệ trạng hiện tại, những khuynh hướng đại đồng được thành lập để làm một nhịp cầu liên kết các tư tưởng và triết lý Đông Tây như Đạo để chỉ cho con người thấy rằng.

“Mọi tôn giáo đều có cùng một nguyên lý”.

Đức Chí Tôn dạy:

Nhiên Đăng Cổ Phật thị ngã,
Thích Ca Mâu Ni thị ngã,
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị ngã,
Kiêm viết Cao Đài.

Hay là:

Phật Trời, Trời Phật cũng là ta
Nhánh nhóc chia ba cũng một Già
Thích, Đạo, Gia Tô tay chưởng quản,
Thương dân xuống thế độ lần ba.

Đức Chí Tôn cũng còn dạy rằng:

“Khi lập càn khôn thế giái rồi, Thầy phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là vật chất, thảo mộc, thú cầm và nhân loại gọi là chúng sanh. Vậy các con đủ hiểu rằng mỗi vật hữu sanh nơi thế gian đều do chơn linh Thầy mà ra, có sống ắt có Thầy, Thầy là cha sự sống”.

Hay nói cách khác, tất cả con người dầu thuộc sắc dân nào, dù thuộc giai cấp nào cũng đều là anh em với nhau có cùng một Đấng Cha Trời. Mỗi chúng sanh đều có một phần chơn linh của Thượng Đế. Vì vậy Đức Chí Tôn mới dạy: “Thầy là các con, các con là thầy”. Thật ra những lời dạy của Đức Thượng Đế Cao Đài không khác chi những lời dạy của Ngài trong những ngàn năm về trước khi Ngài mở Đạo Tiên, Đạo Phật, Đạo Nho, Đạo Thánh. Trong Ấn Độ Giáo có dạy: “Thượng Đế là đại linh quang, con người là tiểu linh quang”.

Đức Chúa Jesus dạy: “Ta và Cha Ta là một”.

Tuy nhiên, với thời gian, con người càng ngày càng chú trọng đến hữu vi sắc tướng, đến vật chất bên ngoài mà quên đi bản thể cao quý ở trong lòng mình và vì vậy càng ngày càng xa Chơn Đạo. Để tái tạo cho thế giới nhân loại một đời sống thánh đức, thái bình an lạc, Đức Thượng Đế lập nên Đạo Cao Đài, dạy cho mổi người phải biết mình và mọi người cùng là anh em với nhau, vì ai ai cũng có một phần chơn linh của Đấng Cha Trời, và mọi tôn giáo ở thế gian đều có cùng Một Lý.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>