Mục Đích Của Đạo Cao Đài

Mục đích gần: Hướng dẫn chúng sanh làm tròn nhơn đạo, thương yêu lẫn nhau và tôn trọng lẽ công bình hầu tạo nên một cuộc đời thánh đức, thái bình an lạc ở thế gian.

Mục đích tối hậu: Mục đích tối hậu của đạo Cao Đài là giúp cho con người giải thoát. Giáo hóa con người ý thức rằng đời là cõi tạm vô thường, sự nghiệp hạnh phúc kễ cả mạng sống đều không bền vững. Thân thể con người là một khối máu thịt hợp với thất tình lục dục và nghiệp lực quá khứ, ngoại trừ một điểm chơn linh cao quý. Cõi trần là dục giới, có nhiều quyến rũ, lôi cuốn mê hoặc làm cho lòng tham dục con người luôn bị dấy động, khát vọng gia tăng, nên lầm lũi chạy theo ngoại cảnh cầu thỏa mãn, vì thế mà chịu ảnh hưởng của sự đắc thất, vui buồn, khổ lụy, lòng không lúc nào được an ổn để đủ sáng suốt mà tự biết mình vốn có một điểm chơn linh cao quý, tức là chơn tâm phật tánh bên trong, đang bị lòng tham dục che lấp. Mục đích tối hậu là dạy con người hướng vào nội tại tâm hồn, tu theo Thiên Đạo để tỏ ngộ tự tánh, tìm thấy bổn tánh đồng thể cùng Đức Chí Tôn Thượng Đế đạt cơ giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi đau khổ. Đức Chí Tôn dạy:

Một ngày thỏn mỏn một ngày qua
Tiên, Phật nơi mình, chẳng ở xa
Luyện đặng tinh thông muôn tuổi thọ
Cửa Tiên xuất nhập cũng như nhà.

Thánh ngôn:

“Ta vì lòng đại từ, đại bi, lấy đức háo sanh dựng nên nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Tôn chỉ là vớt kẻ hữu phần vào địa vị cao thượng để tránh khỏi luân hồi và nâng đỡ kẻ có tánh đức vào cõi an nhàn, cao hơn phẩm hèn khó ở cõi trần thế này”.

Đạo Cao Đài được chia làm hai phần, phổ độ và vô vi để thích ứng với trình độ tâm linh của chúng sanh.

1. Phần Phổ Độ hay là phần nhơn đạo: Trong phần này người tín đồ Cao Đài tu tâm sửa tánh để làm tròn nhơn đạo:

– Làm lành lánh dữ.

– Biết thương yêu và tránh sát hại chúng sanh, vì mỗi chúng sanh là một phần chơn linh của Thượng Đế và chơn linh ấy cũng như chúng ta đang chịu ảnh hưởng của luật luân hồi nhân quả.

– Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ và độ dẫn chúng sanh. Phần đông tín đồ Cao Đài tu theo nhơn đạo.

Thánh ngôn:

“Các con sanh trưởng nơi thế gian này, khi tử hậu các con đi về đâu? Cả kiếp luân hồi của chúng sanh, thay đổi từ vật chất ra thảo mộc, từ thảo mộc ra côn trùng, từ côn trùng ra thú cầm, loài người phải chuyển kiếp ngàn ngàn muôn muôn lần mới đến địa vị nhân phẩm. Nhân phẩm chia ra nhiều hạng. Bậc đế vương nơi địa cầu này chưa bằng bậc chót của nhân phẩm ở địa cầu 67: số địa cầu càng tăng lên, nhân phẩm càng cao trọng. Mãi đến đệ nhất địa cầu, Tam Thiên Thế Giái rồi mới đến Tứ Đại Bộ Châu rồi mới vào Tam Thập Lục Thiên, qua Tam Thập Lục Thiên rồi phải còn chuyển kiếp tu nữa mới vào Bạch Ngọc Kinh, Phật gọi là Niết Bàn. Một kẻ kia, tuy có chân trong tôn giáo, đã làm tròn nhân đạo, tức là làm xong bổn phận làm người thì buổi chung quy cứ theo nấc trên mà tiến lần. Trên đường về Thầy, các con thử nghĩ ngày nào mới đến? Vì vậy nên Thầy ban cho nhân loại một quyền hành rất rộng. Nếu các con sớm tỉnh ngộ thì một đời tu cũng có thể trở về cùng Thầy”.

2. Phần Vô Vi hay là Thiên Đạo: Những bậc xuất thế, chẳng còn bận rộn với nhân tình thế sự chỉ lo tu tập đạo pháp tối thượng bằng phép thiền định đến khi đắc đạo, viên mãn rồi đem sở đắc của mình mà giúp đời. Bằng phương pháp thiền định họ lần lần dẹp bỏ tham, sân, si, thất tình lục dục, lắng dịu tâm hồn để đi vào cõi hư vô tuyệt đối. Đức Ngô Văn Chiêu người đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài tu theo Thiên Đạo lập nên phái Chiếu Minh Vô Vi với Thánh Tịnh tọa lạc tại Cần Thơ, Việt Nam. Khi mới mở đạo, Đức Cao Đài có dạy rằng: “Khoa tịnh luyện dĩ nhiên phải có, nhưng đó là việc sau”. Ngay buổi đầu Ngài có lần ngăn cản nhiều vị muốn đi tịnh và dạy rằng: “Thanh nhàn chưa phải buổi xem mai”. Ngài khuyên tất cả chư môn đệ lo lập công bồi đức, một khi công đầy quả đủ, Ngài sẽ cho một câu cũng đủ thành đạo.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>