Lược Sử Đạo Cao Đài

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay là đạo Cao Đài là một nền tôn giáo mới, bao gồm triết lý của ngũ chi Đại Đạo gồm có: Nhân Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo do Đức Thượng Đế hay Đức Cao Đài dùng huyền cơ diệu bút lập nên vào năm Bính Dần 1926 tại Miền Nam Việt Nam. Người đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài là quan phủ Ngô Văn Chiêu thuộc quận Bình Tây, tỉnh Chợ Lớn. Năm 1920, ông Chiêu được đổi ra Hà Tiên, một tỉnh thuộc miền duyên hải phía tây của Nam Việt, nổi tiếng là một danh lam thắng cảnh. Với lòng mộ đạo, ông Chiêu thường lên núi cầu cơ thỉnh tiên. Ngày nọ, có một vị tiên cô giáng cơ cho ông hai bài thi:

“Văng vẳng nhạn kêu bạn giữa thu,
Rằng Trời cùng Đất vẫn xa mù,
Non tây ngảnh lại đường gai gốc,
Gắng chí cho thành bậc trượng phu.

Ngần ngần trăng tỏ giữa trời thu,
Cái cảnh tây phương vẫn mịt mù,
Mắt tục nào ai trông thấy đấy,
Lắm công trình mới đúng công phu”.

Vị tiên cô có ý khuyên tu nhưng quan phủ Chiêu chưa ngộ đạo. Ngày 26 tháng 10 năm 1920, ông Chiêu được đổi ra Phú Quốc, một hòn đảo xinh đẹp. Quan phủ thường lên đỉnh núi Dương Đông lập đàn cầu cơ. Nơi đây, Đức Cao Đài giáng cơ thu nhận ông Chiêu làm đệ tử, dạy ông trường trai và tạo Thiên Nhãn để thờ. Đức Cao Đài xưng là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát và dạy ông Chiêu phải kêu Tiên Ông bằng Thầy mà thôi. Đến năm 1924, ông Chiêu được đổi về Sài Gòn, vẩn tiếp tục thờ phượng Đức Cao Đài và thỉnh thoảng có độ một số thân bằng quyến thuộc nhập đạo.

Cũng ở tại Sài Gòn, vào năm 1925, phong trào cầu cơ rất thịnh hành, có một nhóm công chức thường họp nhau đễ xây bàn cầu cơ. Lúc đầu, có vong linh của các thân nhân các vị hầu đàn về. Sau đó có các chư Tiên, chư Phật giáng cơ dạy đạo. Sau rốt, có một vị Tiên Ông xưng danh là A. Ă. Â. giáng cơ làm thơ họa vận. Vì cầu cơ bằng cách xây bàn rất chậm chạp bất tiện, Đức A. Ă. Â. dạy chư vị hầu đàn dùng Ngọc Cơ thay thế để có thể viết chữ mau lẹ hơn. Ngọc Cơ được đan bằng giỏ tre, cần cơ bằng cây dương liễu, đầu chạm hình chim loan, cây cọ bằng mây, dùng để viết chữ xuống mặt bàn cơ. Đến đêm 24 tháng 12 năm 1925, Đức A. Ă. Â. giáng cơ cho biết Ngài là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế bấy lâu nay mượn tên A. Ă. Â. để độ dẫn chư đệ tử vào đường đạo. Ngài thâu chư vị hầu đàn làm đệ tử và giao phó phận sự truyền đạo Cao Đài tại phương Nam. Trong số chư vị hầu đàn, có quý ông Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Trương Hữu Đức và Nguyễn Trung Hậu.

Thánh ngôn đêm 24 tháng 12 năm 1925:

“Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân thiên,
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế.
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên,”

“Đêm nay, 24 tháng 12, các con phải vui mừng, vì là ngày của Ta xuống trần dạy đạo bên Thái Tây. Ta rất vui lòng mà đặng thấy đệ tử kính mến Ta như vậy. Nhà này sẽ đầy ơn Ta. Giờ ngày gần đến, đợi lệnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa”.

Sau đó Đức Cao Đài dạy hai ông trong chư vị hầu đàn là Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc đến gặp ông Lê Văn Trung. Ông Trung, lúc ấy, nguyên là nghị viên hội đồng quản hạt và hội đồng tư vấn chánh phủ Nam Kỳ, đang bị bịnh mù mắt, đi đâu cũng phải có người dẫn. Đức Cao Đài độ ông Trung nhập đạo và từ đó, nhờ huyền diệu của Đức Cao Đài, ông Trung trở nên sáng mắt từ bỏ một cách dễ dàng bệnh ghiền á phiện và sống một cuộc đời gương mẫu của bậc chân tu. Vào cuối năm Ất Sửu, Đức Cao Đài dạy mấy ông Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư … Đến gặp ông Ngô Văn Chiêu để được chỉ dẫn phương cách thờ phượng. Và hai nhóm đệ tử tuân lịnh Đức Cao Đài họp nhau lại lo phổ độ nhơn sanh. Mối đạo từ đó bành trướng một cách mau lẹ. Không quen với làn sóng tín đồ ồ ạt bất lợi cho việc tu luyện, quan phủ Chiêu nhường phận sự phổ độ lại cho chư vị nói trên và trở về Cần Thơ lập nên phái Chiếu Minh Vô Vi. Ông Lê Văn Trung được Đức Cao Đài chỉ định Quyền Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của quý ông Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Nguyễn Ngọc Thơ… cơ phổ độ lan tràn khắp nơi trong đại chúng và vào ngày 28 tháng 9 năm 1926, Hội Thánh chánh thức gởi bản tuyên ngôn khai đạo lên Thống Đốc Nam Kỳ.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>